Friday, September 19, 2014

Viêm tuyến tiền liệt là gì?

Viem_tuyen_tien_liet_la_giNhững năm gần đây, bệnh phì đại tuyến tiền liệt (u xơ tuyến tiền liệt) cũng như ung thư tuyến tiền liệt ở người cao tuổi được nói tới nhiều nhưng riêng bệnh viêm tuyến tiền liệt lại rất ít được nhắc tới.Ðó là một bệnh của nam giới, thường xảy ra ở những người trẻ tuổi với 3 thể thường gặp là: Viêm tuyến tiền liệt (VTTL) cấp tính, VTTL mạn tính và VTTL không do vi khuẩn.

Nguyên nhân
VTTL cấp tính thường do vi khuẩn gram (-), hay gặp nhất là Eschérichia, sau đó là Proteus vulgaris, klebsiella, pneumocoque, entérocoque... Còn lậu cầu trùng, trước đây gặp nhiều ở châu Âu, nhưng nay rất hiếm.

Ở Việt Nam thì ngược lại, chủng loại này phải hết sức cảnh giác vì số nam giới trẻ bị bệnh này ngày càng nhiều mà lại không được chạy chữa tốt. Vi khuẩn đột nhập tuyến tiền liệt, chủ yếu theo đường niệu đạo, thường xảy ra sau quan hệ tình dục hoặc sau những thủ thuật đường niệu (như nong dò niệu đạo, thông tiểu hoặc đặt ống dẫn lưu...). Vi khuẩn vào tuyến tiền liệt theo đường máu rất ít gặp.

Triệu chứng
Tuyến tiền liệt sưng to, nước tiểu đục, kèm theo đái buốt, đái rắt và có khi đái khó. Người bệnh sốt cao 38-390C, có khi rét run. Bạch cầu và tốc độ máu lắng đều tăng cao. Thăm dò trực tràng có cảm giác nóng, ấn vào tuyến tiền liệt thì rất đau. Kiểm tra nước tiểu: đầu bãi, nước tiểu có mủ, giữa bãi thì nước tiểu trong nhưng ở cuối bãi, nếu cho ngón tay vào trực tràng xoa nắn tuyến tiền liệt thì nước tiểu có dịch đục và mủ chảy ra theo.

Nếu được điều trị đúng phương pháp (nghỉ ngơi, ngâm nước ấm và dùng kháng sinh đặc hiệu, ofloxacin, norfloxacin, pefloxacine, cyprofloxacin...) thì bệnh sẽ đỡ dần và khỏi. Chú ý không được thông đái qua niệu đạo.

Biến chứng
Nếu không được chăm sóc điều trị thì bệnh sẽ dẫn đến nhiều biến chứng:
- Nhiễm khuẩn huyết dễ dẫn tới tử vong.
- Viêm nội mạc cơ tim.
- Bí đái cấp, viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn.
- Tại chỗ sẽ dẫn tới: áp-xe tuyến tiền liệt

Áp-xe tuyến tiền liệt là hậu quả của sự hóa mủ trong quá trình viêm cấp. Triệu chứng của áp-xe tuyến tiền liệt cũng giống như trong viêm tuyến tiền liệt cấp nhưng đau tức và mót trầm trọng hơn. Có khi bí đái do ổ áp-xe quá to.
Thăm khám trực tràng, sờ thấy ổ áp-xe phình to, chỗ cứng, chỗ mềm hoặc "lùng nhùng, óc ách" vì đầy mủ. Nếu không can thiệp thì áp-xe sẽ phát triển xuyên qua vỏ bọc, vỡ vào trực tràng (đi ngoài ra mủ), vỡ vào niệu đạo sau (mủ chảy ra ngoài miệng sáo) hoặc đổ vào tầng sinh môn gây ra nhiều ngách dò mủ kéo dài .

Do đó, phải tháo mủ áp-xe kịp thời bằng chọc qua nội soi cho đổ vào niệu đạo sau, hoặc chọc hút mủ theo hướng dẫn của siêu âm, hoặc mổ banh dẫn lưu qua đường tầng sinh môn. Phải kết hợp điều trị kháng sinh đặc hiệu (đã nêu phần trên) kéo dài với liều cao.

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính thường là biến chứng của viêm túi tinh mạn tính hoặc có thể tiếp theo sau viên tuyến tiền liệt cấp. Nguyên nhân thường là do đặt ống dẫn lưu, nong niệu đạo bằng dụng cụ, cũng có khi do viêm đường niệu lan tới một cách trực tiếp nhưng đáng chú ý là do từ những ổ nhiễm khuẩn xa như viêm mủ chân răng, viêm tai mũi họng, viêm xoang, viêm phế quản...

Ngoài ra còn do một số điều kiện thuận lợi như kích thích tình dục quá mức hoặc thủ dâm... Vi khuẩn thường gặp là tụ cầu (>50%), liên cầu và vi khuẩn đường ruột.

Viêm tuyến tiền liệt mạn thường chỉ gây cảm giác khó chịu như đau vùng hạ vị và tầng sinh môn, xuất tinh sớm, giảm ham muốn tình dục hoặc một số triệu chứng tiết niệu như: mót tiểu, đái rắt.

Cần chú ý là ở một số trường hợp có chất nhầy và mủ chảy ra đầu miệng sáo vào buổi sáng, dễ nhầm với bệnh lậu. Có một số biến chứng do viêm tuyến tiền liệt mạn tính gây ra, rất nguy hiểm nhưng thường không được chú ý như: Viêm cầu thận, viêm khớp, viêm cơ, viêm mống mắt... Một khi ổ nhiễm khuẩn ở tuyến tiền liệt chưa được triệt phá thì nguy cơ của các bệnh trên vẫn còn tồn tại!

Điều trị
Ðiều trị viêm tuyến tiền liệt mạn tính phải dùng các thuốc thấm sâu vào tổ chức tuyến như:

Trimethroprim - sulfamethoxazol. Tetracyclin hoặc erythromycine kéo dài 4-12 tuần. Khi kháng sinh dùng tối đa không khỏi vì tuyến tiền liệt viêm xơ nặng hoặc có sỏi thì phải cắt nội soi qua niệu đạo hoặc phẫu thuật mở bóc bỏ hết tổ chức viêm và sỏi.

Viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn thường là do: Dị ứng, do yếu tố miễn dịch, do hóa chất, do tâm lý và nhiều khi không tìm thấy nguyên nhân nào cả. Triệu chứng giống như trong viêm tuyến tiền liệt mạn tính và mọi xét nghiệm đều không tìm thấy vi khuẩn mà chỉ thấy BK tăng cao bất thường trong dịch thử. Cần chú ý tìm bạch cầu trong nước tiểu và dịch tuyến tiền liệt.

Việc điều trị chủ yếu bằng điều trị triệu chứng (giảm đau, an thần, lợi tiểu, vitamin A và vitamin E). Không nên dùng các chất kích thích như rượu mạnh, cà phê, nước giải khát có ga, các gia vị nóng như tiêu ớt và đặc biệt phải chống táo bón. Cần giải thích cho người bệnh biết rõ đây là một bệnh lành tính, không lây truyền, khuyên bệnh nhân nên ngâm nước ấm vùng hậu môn và bìu hàng ngày.

Viêm tuyến tiền liệt cấp tính hay mạn tính đều là bệnh nguy hiểm nhưng chưa được quan tâm đúng mức nên bệnh dẫn tới nhiều biến chứng nặng nề. Riêng viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn thường gây nhiều phiền toái dai dẳng, cần được chẩn đoán thật chính xác (không vi khuẩn). Việc điều trị phải có sự cộng tác chặt chẽ giữa người bệnh và thầy thuốc mới mang lại hiệu quả.

Nguồn:Suckhoe360.com

0 comments:

Post a Comment